Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 đã qui định cụ thể liên quan tới việc giải quyết sự cố trong bảo vệ công trình hàng hải.
Theo đó, khi phát hiện công trình hàng hải bị xâm phạm hoặc có nguy cơ mất an toàn, thì chủ đầu tư, người quản lý khai thác công trình hàng hải hoặc người phát hiện có trách nhiệm báo ngay cho Cảng vụ hàng hải tại khu vực, để có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi nhận được thông tin, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải chỉ đạo chủ đầu tư, người quản lý khai thác công trình áp dụng ngay biện pháp cần thiết để bảo vệ công trình hàng hải, giảm thiểu tổn hại xảy ra đối với công trình. Đồng thời phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương tại khu vực có công trình hàng hải để hỗ trợ, áp dụng biện pháp cần thiết ứng cứu, khắc phục sự cố, xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn công trình.
Trên cơ sở đó, chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình hàng hải có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Cảng vụ hàng hải, cơ quan có thẩm quyền; Áp dụng các biện pháp ứng cứu, khắc phục sự cố, ngăn chặn hành vi vi phạm theo phương án bảo vệ công trình; Thiết lập cảnh báo cần thiết để bảo đảm an toàn xung quanh công trình; Kịp thời khắc phục hậu quả để sớm đưa công trình vào khai thác an toàn.
Riêng cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương tại khu vực có công trình hàng hải khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc nhận được thông tin về công trình hàng hải bị xâm phạm hoặc có nguy cơ mất an toàn, phải khẩn trương phối hợp với Cảng vụ hàng hải tại khu vực, chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình hàng hải để xử lý vi phạm, ứng cứu, khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật.
Theo Minh Tuấn (Diễn Đàn Hàng Hải)