Trước mỗi chuyến đi, thuyền trưởng phải có những biện pháp nhằm bảo đảm an toàn và an ninh cho người, tàu và hàng hóa trên tàu, kể cả vật tư kỹ thuật, nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm của tàu. Thuyền trưởng cũng phải thường xuyên duy trì công tác bảo đảm an toàn lao động, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường…
Ngày 28/7/2017, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BGTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển. Theo qui định tại Điều 4, thông tư này thì Thuyền trưởng (Capt) là người có quyền chỉ huy cao nhất ở trên tàu và có 14 nhiệm vụ cơ bản.
Trong đó, tại khoản 2, Điều 4, Thông tư số 23/2017/TT-BGTVT, Bộ Giao thông vận tải đã qui định chi tiết về nhiệm vụ của thuyền trưởng khi đưa tàu vào khai thác hoặc ngừng khai thác. Cụ thể, thuyền trưởng có trách nhiệm thực hiện theo lệnh của chủ tàu để đưa tàu vào khai thác, ngừng khai thác hoặc sửa chữa hay giải bản.
Trước mỗi chuyến đi, thuyền trưởng phải có những biện pháp nhằm bảo đảm an toàn và an ninh cho người, tàu và hàng hóa trên tàu, kể cả vật tư kỹ thuật, nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm của tàu. Thuyền trưởng còn có nhiệm vụ phân công cụ thể cho đại phó và máy trưởng tiến hành chuẩn bị mọi mặt để tàu khởi hành an toàn đúng giờ quy định; Kiểm tra việc chuẩn bị hải đồ, các tài liệu hàng hải khác liên quan đến toàn bộ chuyến đi của tàu.
Không chỉ vậy, thuyền trưởng còn phải nắm vững tình hình diễn biến thời tiết trong khu vực tàu sẽ đi qua, lập kế hoạch chuyến đi và vạch hướng đi trên hải đồ có tính toán đầy đủ ảnh hưởng của các điều kiện địa lý, khí tượng – thủy văn hàng hải và các yếu tố khác.
Thuyền trưởng chịu trách nhiệm kiểm tra việc xếp dỡ hàng hóa theo sơ đồ hàng hóa để bảo đảm số lượng và chất lượng của hàng hóa, đặc biệt chú ý xếp dỡ và vận chuyển hàng rời, hàng nguy hiểm trên tàu. Trường hợp tận dụng dung tích và trọng tải của tàu thì phải đảm bảo tính ổn định và an toàn của tàu. Ít nhất 02 giờ trước khi tàu rời cảng phải biết được tình hình công việc chuẩn bị của tàu, kiểm tra sự có mặt của thuyền viên và những người khác còn ở trên tàu.
“Trường hợp có thuyền viên của tàu vắng mặt, để bảo đảm cho tàu xuất phát đúng giờ, thuyền trưởng phải kịp thời thông báo cho cảng vụ hàng hải, chủ tàu nếu tàu đậu ở các cảng trong nước hoặc thông báo cho đại lý, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam nếu tàu đậu ở cảng nước ngoài biết họ tên, chức danh và thời gian đi bờ của thuyền viên đó. Đồng thời, phải áp dụng mọi biện pháp để thuyền viên này kịp trở về tàu hoặc đón tàu ở cảng sắp đến, nếu sự vắng mặt của thuyền viên đó không ảnh hưởng đến an toàn của tàu”, Thông tư số 23/2017/TT-BGTVT quy định các nhiệm vụ của thuyền trưởng.
Đáng chú ý, thuyền trưởng cũng phải thường xuyên duy trì công tác bảo đảm an toàn lao động, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, tiếp nhận các khiếu nại của thuyền viên và giải quyết theo thẩm quyền quy định.
Mặc dù qui định về an toàn hàng hải đã cụ thể và Tập đoàn Đông Long cũng đã ban hành quy chế rất rõ ràng, nhưng thời gian qua vẫn có trường hợp thuyền trưởng lơ là trong công tác. Điển hình là đã có trường hợp thuyền trưởng thiếu trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định an toàn hàng hải theo ISM Code, các qui định an toàn trong SMS của chủ tàu và tất cả công văn mà Tập đoàn đã gửi xuống tàu.
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của Tập đoàn mà còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn hàng hải, cũng như sự an nguy đối với các thuyền viên đang làm việc trên tàu.
Do đó, Ban lãnh đạo Tập đoàn khuyến cáo các thuyền trưởng cần nâng cao tính tự giác tuân thủ các qui định an toàn hàng hải, có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện theo qui chế của Tập đoàn. Mục đích chính là để đảm bảo sự an toàn hàng hải, cũng như sự an toàn tuyệt đối cho anh em thuyền viên và con tàu.
“Thuyền trưởng là chỉ huy cao nhất trên tàu nên cần phải gương mẫu, mẫn cán để làm gương cho các anh em thuyền viên khác. Việc tuân thủ các qui định là điều mà thuyền trưởng nên tích cực phát huy, nhằm đảm bảo sự an toàn cho cả con tàu và để công việc luôn được hanh thông, thuận lợi”, ông Lưu Phụng Hoàng Nghĩa – Giám đốc Nhân sự của Tập đoàn Đông Long yêu cầu.
Tuệ Lâm