Các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để “rộng đường” hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề trong lĩnh vực hàng hải.
Theo tìm hiểu, về cơ sở hạ tầng cảng biển, hiện Việt Nam có 34 cảng với tổng công suất thiết kế 750 triệu tấn. Trong đó, hai cảng cửa ngõ nước sâu quốc tế là cảng Hải phòng ở miền Bắc và cảng Cái Mép – Thị Vải ở phía Nam. Các cảng này có thể tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 230.000 DWT.
Đáng chú ý, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 đạt hơn 730 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 565 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Không chỉ vậy, về vận tải biển, tính đến hết tháng 10/2023, đội tàu vận tải biển mang cờ Việt Nam gần 1.000 tàu, tổng dung tích khoảng 6,7 triệu GT, tổng trọng tải khoảng trên 11 triệu DWT.
Đội tàu Việt Nam hiện nằm trong Danh sách trắng của Tokyo MOU. Đội ngũ thuyền viên Việt Nam hiện nay có trên 62.000 thuyền viên. Hiện Việt Nam có 9 cơ sở đào tạo thuyền viên.
Hơn thế nữa, với hơn 3.000km đường bờ biển, lại nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối hai đại dương lớn Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Việt Nam có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải cho rằng, với những tiềm năng và lợi thế như vậy, Việt Nam luôn “rộng đường” để hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề trong lĩnh vực hàng hải.
Theo Minh Tuấn (Diễn Đàn Hàng Hải)