Trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn, trật tự cho tàu biển, người và hàng hóa vận chuyển trên tàu, thuyền trưởng có quyền tạm giữ người đang chuẩn bị phạm tội, người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã trên tàu biển tại một phòng riêng.
Điều 56, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 đã có qui định về trách nhiệm của thuyền trưởng trong việc bắt, giữ người trên tàu biển.
Theo đó, khi phát hiện hành vi phạm tội quả tang, người đang bị truy nã hoặc giữ người trong trường hợp khẩn cấp trên tàu biển khi tàu đã rời cảng, thuyền trưởng 3 trách nhiệm cơ bản.
Đầu tiên là thuyền trưởng có trách nhiệm bắt hoặc ra lệnh bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã; giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Song song đó, thuyền trưởng còn có trách nhiệm áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết, lập hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Chưa hết, thuyền trưởng cũng có trách nhiệm bảo vệ chứng cứ và tùy theo điều kiện cụ thể, chuyển giao người bị bắt, giữ và hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở cảng Việt Nam đầu tiên tàu biển ghé vào hoặc cho tàu công vụ Việt Nam gặp ở trên biển.
Hoặc, thuyền trưởng phải thông báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam nơi gần nhất và làm theo chỉ thị của cơ quan này, nếu tàu biển đến cảng nước ngoài.
Ngoài các trách nhiệm nêu trên, trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn, trật tự cho tàu biển, người và hàng hóa vận chuyển trên tàu, thuyền trưởng có quyền tạm giữ người đang chuẩn bị phạm tội, người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã trên tàu biển tại một phòng riêng.
Theo Minh Tuấn (Diễn Đàn Hàng Hải)